Tiến sĩ khoa học

Tiến sĩ khoa học là một danh xưng khoa học ở Việt Nam kể từ thời điểm có hiệu lực của Luật Giáo dục năm 1998 [1]. Danh xưng này được sử dụng và áp dụng đối với những cá nhân có bằng tiến sĩ của các nước Liên Xô và Đông Âu cũ (học vị doktor nauk), hoặc có bằng tiến sĩ nhà nước (doctorat d'Etat) của Pháp,... Đây là một khái niệm mang tính lịch sử vì trước đó Việt Nam có hệ thống văn bằng sau đại học tương tự như hệ thống của các nước Liên Xô và Đông Âu cũ, nghĩa là cũng có học vị tiến sĩphó tiến sĩ như của các quốc gia này. Khi đất nước mở cửa và hội nhập, học vị tiến sĩ theo hệ thống học vị của Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng được chấp nhận. Việc này làm nảy sinh sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bằng quốc gia khi tồn tại hai loại học vị tiến sĩ của hai hệ thống khác nhau cùng với một học vị phó tiến sĩ trong khi Luật Giáo dục quy định cả nước chỉ có duy nhất một học vị tiến sĩ. Để giải quyết vấn đề này, thông qua một quyết định hành chính gây không ít tranh cãi trong giới khoa học và chuyên môn, học vị phó tiến sĩ trước đây sẽ được đổi thành học vị tiến sĩ, học vị tiến sĩ theo hệ thống cũ sẽ được đổi thành tiến sĩ khoa học. Nghĩa là, bằng tiến sĩ do các nước Liên Xô và Đông Âu cũ, bằng tiến sĩ do Việt Nam cấp trước đây, bằng tiến sĩ nhà nước, bằng tiến sĩ ha-bi,... sẽ được gọi là bằng tiến sĩ khoa học, bằng phó tiến sĩ sẽ được gọi là bằng tiến sĩ giống như các bằng tiến sĩ khác.Thuật ngữ, học vị và văn bằng tiến sĩ khoa học (tiếng Latin: Scientiae Doctor) nếu được dịch nguyên văn theo nghĩa đen từ các ngôn ngữ khác nhau có thể tương đương với thuật ngữ tiến sĩ khoa học ở Việt Nam hay không tùy từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử và cũng tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia. Thông thường, khái niệm tiến sĩ khoa học (Doctor of Science) chỉ đơn thuần là tiến sĩ về khoa học, với mục đích phân biệt với tiến sĩ ở các ngành khác như tiến sĩ giáo dục (Doctor of Education), tiến sĩ kỹ thuật (Doctor of Engineering),...